1. HUYỀN THOẠI VÀ THỰC TẠI

Giả thuyết: Ký Sự Phía Bên Kia Không Gian Chiều Thứ Tư   – Phạm Hùng Sơn

“Đời say cả một mình ta tỉnh! Đời đục cả một mình ta trong, nên ta bỏ đời mà đi”.
Với một bộ dạng thiểu não, có kẻ chán sự đời, lang thang. Đã thốt lên như thế, cùng gã lái đò nổi trôi trên bến Mịch La, trong quá khứ xa của lịch sử văn hóa chung…
Chẳng biết gã lái đò mà do duyên kỳ ngộ lá lay nào đó khéo tạo nên. Có trầm ngâm chia sẻ cùng Khuất Nguyên hay không? Tác giả của câu chuyện này không nhắc đến! Chỉ biết rằng gã lái đò đã xối thẳng vào kẻ dường mê, dường tỉnh kia, một gáo nước tựa hồ của dòng Mịch La: “Đời say cả! Sao ngươi không ăn cả bã, uống cả hèm, cho say luôn một thể? Đời đục cả! Sao ngươi không quậy thêm bùn, vỗ thêm sóng, cho đục luôn một thể? Tội chi mà phải bỏ đời mà đi?”. Nói xong, gã lái đò lẳng lặng đứng lên, nhổ sào. Tiếp tục cho con thuyền… chao nhẹ, nổi trôi…, xuôi theo dòng… Bỏ mặc kẻ ủ dột chìm đắm trong cô đơn ở phía bên kia bờ hoàng hôn.
Trong hoang lạnh, bóng thuyền trăng vừa nhô trên dòng Mịch La. Người ta vẳng nghe có tiếng nhịp gõ trên gác mái chèo… như bào ảnh, nhẹ xao trên mặt nước; “Nước sông Tương trong thì ta giặt mũ…. Nước sông Tương đục thì ta rửa chân…”. hòa cùng tiếng cười khanh khách đầy trá dị mênh mang…
Sau 3 ngày trầm ngâm, gậm nhấm về buổi tao ngộ với gã lái đò trôi nổi bất chợt đó. Khuất nguyên cuối cùng đứng lên tự thốt thành tiếng: “Không được. Thân ta đang trắng như bông bưởi. Ai lại đem vùi xuống bùn dơ bao giờ”. Và Khuất Nguyên cùng ôm cả khối u uất đấy mà gieo trôi theo dòng Mịch La, xuôi về Hoàng Tuyền… và quyết neo đời bên bến Bỉ Ngạn.
… Đang chán sự đời, dự định bỏ đời mà đi! Ký ức như ở trên chợt ùa về từ một nơi nào đó thật sâu trong trong tâm khảm, khiến tôi càng tự ngán ngẩm hơn cho dự định. Mọi chuyện sẽ có sự khởi đầu cho bất cứ ai trong chúng ta, nếu một khi ai đó chợt ý thức về thân phận và kiếp làm người! Và sau khi đã gậm nhấm hằng đêm cho bằng hết, những chán chường giá trị cuộc sống đến ngán ngẩm. Tôi quyết định bỏ lại cuộc đời sau lưng và rũ bụi giày mà ra đi.
Ở đây không có nghĩa là bỏ cuộc đời theo cách của Khuất Nguyên. Để cho đời nối đời sau và sau nữa, cứ mỗi độ Đoan Ngọ lại thi nhau tưởng nhớ. Hoài vọng về một giá trị bị chôn vùi mà hầu như không ai biết cũng như có thể cảm nhận và hiểu được! Hóa ra cái kiếp làm người của Khuất Nguyên ngày đó vốn đã vô nghĩa rồi. Cái chết của Khuất Nguyên cho đến tận hôm nay. Lại càng tiếp tục chất chồng thêm hơn cho nấm mồ vô nghĩa phủ dày bụi thời gian mà thôi! Một trong những lý do khiến bản thân tôi bước ra khỏi dòng đời đang cuồng loạn cuộc sống vội đó là: Tôi ý thức rất sâu sắc về sự đào thải của quan điểm sống đương thời lúc đó đối với bản thân. Như thế, trước khi điều đó xảy ra. Tôi tự đào thải mình khỏi xã hội trước, không chờ đến lúc xã hội phải thực thi trách nhiệm đó.
Điều tôi muốn diễn tả là giai đoạn mà đất nước cũng như xã hội Việt Nam vừa vượt qua trường cảnh chiến tranh. Ngay lập tức phải rơi vào hoàn cảnh đối đầu với sự đổ nát sau chiến cuộc. Thuyết Định Mệnh là không phải bàn cãi nữa. Nhưng cớ chi mà Tạo Hóa éo le đến đổi đặt để cho Dân Tộc Việt Nam cứ hết rơi vào hoàn cảnh này lại đắm chìm trong hoàn cảnh khác. Cứ luân hồi mãi từ ngàn xưa, kể từ ngày giống nòi này mở nước cho đến tận hôm nay như thế!? Định mệnh nào mà Tạo Hóa cố ý gieo cho dòng giống này phải gánh vác truyền đời, muôn kiếp như vậy?.
Điều đáng sững sờ hơn nữa là cận cảnh đương thời. Sân khấu mà dân tộc và xã hội Việt Nam hôm nay đang phải diễn là: Theo đuổi những giá trị vật chất và không ngần ngại đặt nó lên hàng đầu. Có một điều rất đáng phải kinh sợ ấy là; Vốn liếng văn hóa bao gồm cả tư duy của xã hội Việt Nam đã bị ngọn lửa chiến tranh thiêu rụi gần như hoang tàn. Cả một trường đoạn của cuộc chiến tranh tang tóc suốt 500 năm vừa đi qua! Một cuộc bể dâu vừa đủ. Một thế cuộc cuối trong quy luật của Tạo hóa qua 4 đoạn trường bể dâu bao gồm 2000 năm; Sinh – Trưởng – Liễm – Tàng.
Bối cảnh diễn ra với những đạo diễn và diễn viên vừa bước ra khỏi cuộc chiến tang thương như thế. Hành trang sót lại một ít vốn liếng tư duy lẫn văn hóa đầy thương tật, khiếm khuyết như thế. Xã hội Việt Nam diễn biết bao bi hài cảnh… không thể diễn đạt thành lời cho được… Biết bao số phận khóc cười, mặc nổi trôi theo dòng đời cuồng loạn những xô bồ nhiễu nhương đó.
Bởi Giá trị vật chất và tinh thần vốn là hai phạm trù đối lập. Nơi nào có vật chất ắt những giá trị của tinh thần sẽ bị mai một. Và cũng có cùng một giá trị mô tả như thế đối với tinh thần ở chiều ngược lại. Hồi ức quá khứ trên bình diện địa cầu… Tìm về tận nơi khởi đầu của những tư duy của nhân loại. Tận đỉnh cao của tư duy cũng như văn hóa của nhân loại suy tôn thành nghệ thuật. Triết Học và Kịch Nghệ…
Nơi đỉnh chót vót của nghệ thuật triết học như: Triết gia khởi đầu là Heraclitus, rồi những Parmenides, Leucippus, Democritus.v… Với nền tảng tư duy cũng như văn hóa như thế. Họ cũng đã mang đầy khiếm khuyết khi phải đối diện với giữa vật chất và tinh thần rồi. Họ cũng đã diễn đầy những tấn bi hài kịch đương thời lúc đó rồi. Huống hồ chi bối cảnh mà xã hội Việt Nam đang phải đối đầu trong giai đoạn vừa nêu ở những dòng trên. Có một điều vượt lên trên tất cả những nguyên lý đương thời của tư tưởng phương tây lúc đó là: Cũng cùng một thời điểm đó. Tại phương đông cũng đã xuất hiện Phật Thích Ca Mâu Ni với tư tưởng tĩnh tại bên Ấn Độ! Và Phật cho sự biến động chỉ là vọng động. Thế giới quan của nhà Phật hướng đến một sự tĩnh tại tuyệt đối mà ta nghe gọi là chân như. Và tại Trung Quốc đồng thời xuất hiện Lão Tử với quan điểm đồng nhất giữa động và tĩnh. Đó là chưa kể đến những giá trị ở vào quá khứ xa hơn hàng ngàn năm trước thời điểm này nữa.
Thế nhưng trào lưu xã hội Việt Nam đang trên đỉnh ngọn thác sục sôi vật chất. Quan điểm về một giá trị tinh thần hoàn toàn là lạc hậu. Thậm chí nó dần trở thành một khái niệm mơ hồ trong tâm thức chung của những thế hệ hiện nay. Để tìm lại những giá trị tinh thần đó, ắt phải là những nơi thiếu vắng bóng dáng của vật chất. Đó phải là nơi lạc hậu, phù hợp với tư duy đã bị đào thải cùng quan điểm những thế hệ đương thời. Là bưng biền, núi cao, rừng sâu hẻo lánh, vắng ánh sáng đô thị.
Thế nhưng xã hội đang có xu hướng đô thị hóa cả những nơi này cho kịp đà phát triển chung! Thật nguy hiểm vô cùng. Bởi ánh sáng văn minh vốn phải trải qua quá trình tiến hóa, gọt dũa, sàng lọc, mới có thể chấp nhận, tiếp nhận những thành phần ưu tú nhất. Kỳ dư, chỉ là những con thiêu thân lao vào ánh sáng mà không ý thức được thân phận. Điều tất yếu phải đến là một xã hội hỗn loạn, vô văn hóa, và dẫn đến thoái hóa… trên bình diện. Với một môi trường sống quanh mình như thế. Tôi ý thức mình như một kẻ lạc loài. Nói thẳng ra là tư duy lạc hậu đối với giai đoạn. Một sự sống ký gửi tạm bợ, và hoàn toàn vô vị. Đến một ngày, tôi chợt nhận ra và không hiểu được mình đang cười hay mếu với bạn bè, cộng đồng mỗi khi đưa chuyện, gắng gượng mà hòa sống mỗi ngày. Chính xác là tôi chỉ nhe răng ra như… Phỗng, cho có lệ.
Và rồi tinh thần của tôi trong những dòng kết này không phải tìm đến cùng Khuất Nguyên nơi những dòng mở đầu. Mà là tìm đến với Từ Thức! Mơ về chốn của một Động Hoa Vàng nào đó đã ngủ yên trong trang cổ tích cùng thời gian. Nơi đỉnh cao của tư duy hiện đại. Người ta biết rằng: Mô hình huyền thoại chính là là mô hình gần với thực tại nhất! Từ đó suy ra mà định hướng cho một mục tiêu; Truy tìm tinh thần đã lạc mất do yếu tố thời đại đa tạp đang tạo ra và lây lan từng ngày.
Thế rồi, Tôi gói gọn những gì được cho là lạc hậu đối với xu thế. Bao gồm cả tư duy và quan điểm, đi ngược dòng trào lưu, trở về với huyền thoại. Hòng truy tìm lại những giá trị tinh thần đã thất lạc chốn hoang sơ nào đó còn sót lại trên toàn miền chân trời xa. Bởi di chỉ của xứ hồng hoang vẫn tiềm ẩn khẳng định với mọi giai đoạn thời gian rằng: Chân lý luôn luôn hiện diện nơi cuối chân trời góc biển của mọi giai đoạn. Cho dù bất kỳ là giai đoạn nào. Một nơi có thể đã từng được mô tả là “Rốn biển”. Nơi xứ sở đó, huyền thoại chỉ rõ bao gồm: Ba mươi sáu đảo và bảy mươi hai động. Chắc chắn trong đó có Động Hoa Vàng. Nơi huyền thoại xưa, Từ Thức đã từng một thời, lạc dấu chân hoang…
Trải biết bao trường đoạn trên suốt dặm dài đi tìm chân lý. Cuối cùng tôi đã đến được nơi cần đến trong huyền thoại: “Rốn biển”!. Tôi khẳng định rằng huyền thoại chính là thực tại. Một thực tại mà tạo hóa cố tình che dấu con người. Và cái giá phải trả cho công cuộc truy tìm đó là tinh thần và ý chí rất đắt và thật sự rất đắt. Tạo Hóa rất công bằng.
Cuối cùng, tôi đã đứng trong thế giới của huyền thoại giữa hiện thực. Đó là Động Thiên Thai! Tôi biết, là một trong bảy mươi hai động của thế giới huyền thoại đang chào đón. Cảm khái, tôi chép lại trên vách cửa động hai câu thơ: “Động môn vô tỏa thược, tục khách bất tằng lai”. Bởi theo một nghĩa nào đó, trong một thoáng tư duy thoảng qua. Tôi đã tự cảm nhận mình đã gột sạch gót “Tục Lữ”, đã được chào đón trước ngưỡng cửa Động Thiên Thai. Tạo Hóa có mặc ẩn điều gì, cho một kẻ xa đời và tìm về nơi rốn biển hay chăng!?.
Chỉ biết rằng; Trong suốt quãng thời gian rong chơi, cùng tháng ngày ngủ quên nơi xứ sở huyền thoại đó. Tôi đã một đôi lần bước qua ngưỡng cửa của thời gian. Điều này có nghĩa là bước qua không gian chiều thứ tư! Một thế giới nhiều chiều, tiềm ẩn song song cùng không gian 3 chiều đương đại. Một mô hình thực tại như có như không. Một lý tính của Thuyết Lượng Tử. Học thuyết đang hiện diện nơi đỉnh cao của tư duy đương đại.
Giờ đây, tôi lại đang ngồi lại, lặng lẽ nhìn và đếm thời gian trôi dần giữa cuộc sống đời thường ngày nào. Như dường biết, như dường không, giữa những xô bồ, đắm chìm theo dòng cuốn vật chất của cuộc sống cuồng loạn hiện tại. Thời gian dần trôi có vẻ như hối hả hơn về giai đoạn cuối…
Tôi vẫn đếm…, và chờ, đón…
Một hiện thực, bước ra từ huyền thoại, để đi vào đời thường.
.
Nguồn
Ký sự Bên kia không gian chiều thứ tư
Scroll
+84867119768